Những nguyên tắc trong quản lý Richard Templar PDF
Những nguyên tắc trong quản lý Richard Templar |
Quản lý là một công việc thật thú vị nhưng là việc mà ít ai trong chúng ta định làm. Tuy nhiên ở một mức độ nào đó, hầu hết chúng ta lại thấy mình đang làm công việc quản lý. Bạn hãy xem tình huống sau:
Người hướng nghiệp hỏi:
– Em định làm gì sau khi ra trường?
Cậu học sinh 16 tuổi trả lời:
– Em muốn trở thành nhà quản lý.
Chuyện này đã xảy ra với bạn bao giờ chưa? Tôi cũng chưa bao giờ phải trả lời câu hỏi như trên nhưng dẫu sao thì bạn cũng đang đọc cuốn sách này của tôi.
Là người quản lý thì bạn phải làm rất nhiều việc. Bạn phải là chỗ dựa vững chắc, là người lãnh đạo và nhà ảo thuật cải cách một thuật sĩ (chỉ bằng một động tác thả chiếc mũ xuống đã có thể làm tăng thêm tiền lương tăng nguồn lực, và thêm nhân viên). Đồng thời bạn còn phải là một người chú/bác…, là nơi tin cậy để người khác sẻ chia niềm vui nỗi buồn, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ, và là “thầy phù thuỷ” tài chính (điều này hoàn toàn khác với là một thuật sĩ). Hơn thế nữa, bạn còn phải là người bảo vệ, là vị cứu tinh và là một vị Thánh.
BẠN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỚI RẤT NHIỀU NGƯỜI MÀ CÓ THỂ KHÔNG DO BẠN CHỌN LỰA. THẬM CHÍ HỌ CÓ THỂ LÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN KHÔNG ƯA VÀ CÓ LẼ CHÍNH HỌ CŨNG KHÔNG ƯA GÌ BẠN.
Bạn phải chịu trách nhiệm với rất nhiều người. Những người mà có thể không phải do chính bạn tuyển chọn. Họ có thể là những người mà bạn chẳng ưa gì và không hề có điểm gì chung với họ. Thậm chí có khi chính họ cũng chẳng ưa gì bạn nhưng bạn phải ngon ngọt với họ trong suốt thời gian làm việc. Bạn đồng thời cũng phải quan tâm, chịu trách nhiệm với họ để họ được đảm bảo về mặt tinh thần, tình cảm và sức khỏe. Bạn phải chắc chắn là họ không làm tổn thương tới chính họ hoặc gây tổn thương cho người khác. Bạn phải đảm bảo là họ có thể thực hiện công việc của họ đúng theo như bất cứ quy định nào mà công ty bạn đưa ra. Bạn phải xác định được quyền lợi của bạn, quyền lợi của họ, quyền lợi của công ty và quyền của công đoàn.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là bạn cũng phải làm việc của mình.
Ồ, còn nữa, bạn còn phải luôn giữ bình tĩnh, vui vẻ. Bạn không được la mắng hay ném đồ vật hoặc là ưu đãi, thiên vị một người nào. Quản lý là công việc có những đòi hỏi rất khắt khe…
LÀ MỘT NGƯỜI QUẢN LÝ, BẠN CŨNG CẦN PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI TRUNG GIAN GIỮA CẤP QUẢN LÝ CAO HƠN VÀ NHÂN VIÊN CỦA BẠN.
Bạn chịu trách nhiệm chăm lo và tìm cách để cho nhóm của bạn phát huy hết khả năng của họ. Có lúc họ cư xử giống như là trẻ nhỏ và bạn không thể đánh mắng họ (hoặc thậm chí là sa thải họ). Có khi họ lại giống như những đứa trẻ hay hờn dỗi đi ngủ muộn, sáng thì không muốn dậy và nếu có dậy thì cũng làm việc uể oải và lười nhác.
Giống như bạn, tôi cũng quản lý các nhóm làm việc (tôi quản lý một lúc hàng trăm công nhân). Có nhiều người tôi còn nhớ được cả tên và những khuyết điểm nhỏ của họ. Ví dụ như trường hợp của cô Heather, cô ấy không thể ở lại làm việc muộn vào thứ Ba vì còn phải đi đón con gái. Anh Trevor bị mù màu nên chúng tôi không thể giao việc cho anh ta trong những đợt trưng bày sản phẩm. Mandy thường cảm thấy bực mình nên nếu để cô ấy trả lời điện thoại khách hàng vào bữa trưa thì cô ấy sẽ làm chúng tôi mất khách hàng ngay. Chris làm việc cùng nhóm thì rất tốt nhưng lại không thể làm việc độc lập được. Ray thì hay say xỉn nên không thể để cho anh tự mình lái xe tới bất cứ đâu.
Là người quản lý, bạn cũng cần phải là một người trung gian giữa cấp quản lý cao hơn và nhân viên của bạn. Cấp trên có thể đưa ra một nhiệm vụ thật vô lý nhưng bạn vẫn phải: a) truyền đạt cho nhóm của bạn, b) không được phàn nàn hay mỉa mai, và c) yêu cầu nhóm của bạn phải thực hiện dù cho đó có là một nhiệm vụ vô lý đi chăng nữa.
Bạn cũng phải trấn an nhân viên về mặt tinh thần vì vấn đề không tăng lương vào năm nay, mặc dù việc này sẽ làm ảnh hưởng xấu tới nhóm của bạn. Bạn còn phải giữ kín những chuyện như chuyển giao quyền hành, sáp nhập, tiếp quản công ty mới, những vụ làm ăn bí mật, việc mua chuộc cấp quản lý cao hơn và những việc đại loại như vậy dù cho mọi người luôn luôn xì xầm quanh bạn và bạn thường hay bị những người trong nhóm của mình dò hỏi.
Bạn không chỉ phải chịu trách nhiệm về nhân viên mà còn phải chịu trách nhiệm về cả các vấn đề như ngân quỹ, kỷ luật, truyền đạt thông tin, hiệu suất lao động, các vấn đề pháp lý, công đoàn, sức khỏe và tính an toàn, nhân sự, tiền lương, phụ cấp cho người ốm, giải quyết vấn đề nghỉ phép cho những người bận công việc gia đình. Bạn cũng phải giải quyết việc cho nhân viên nghỉ vào các ngày nghỉ, nghỉ để giải quyết công việc gia đình, nghỉ giữa giờ, vấn đề quản lý và phân bổ thời gian quy định được nghỉ của nhân viên, vấn đề quyên góp, tặng quà, phân công công việc. Tiêu chuẩn của ngành, luyện tập công tác phòng cháy chữa cháy, công tác y tế sơ cứu, vấn đề đảm bảo cho không khí được thông thoáng, vấn đề về điện – nước, khu vực đỗ xe, kho chứa, nguồn hàng, trà và cà phê cũng là những việc bạn có trách nhiệm phải quan tâm. Đấy là chưa kể tới những vấn đề nhỏ liên quan tới khách hàng.
Bạn còn phải làm việc với các phòng, ban, các nhóm, khách hàng, tổng giám đốc, sếp của bạn, ban giám đốc, các cổ đông và bộ phận kế toán (tất nhiên trừ khi bạn là người quản lý của bộ phận kế toán).
Bạn phải là người gương mẫu. Điều này có nghĩa là bạn phải luôn đúng giờ, là người đi tiên phong, ăn mặc gọn gàng, làm việc chăm chỉ, thức khuya dậy sớm, không thiên vị, có trách nhiệm, biết quan tâm tới người khác, hiểu biết và phải là một người hoàn hảo. Đó là những đòi hỏi rất cao.
Bạn phải chấp nhận là làm một người quản lý thì bạn có thể bị chỉ trích, hãy xem tác phẩm Nghề văn phòng (The Office), bị nhạo báng, như là tên nhân viên hay lôi cuốn người khác gây rối, hãy xem cuốn Vâng, thưa ngài (Yes Minister) và có thể bị nhân viên của mình, cổ đông hoặc bị dư luận cho rằng bạn là người không có năng lực, thậm chí là người không có thực quyền để thực hiện công việc của bạn(1).
Tất cả những gì bạn cần làm là công việc của bạn. Thật may là lại có một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn. Bạn hãy bình tĩnh đọc qua nó, tiếp thu những điều hữu ích và nhất định sẽ gặt hái thành công. Tất cả những điều quý giá này được viết trong cuốn Quy tắc trong quản lý. Cuốn sách là tập hợp những điều chưa từng được viết ra, chưa được nói tới và biết tới. Bạn hãy học và áp dụng nó nếu như bạn muốn thành công.
Quản lý là một môn nghệ thuật và là một môn khoa học. Có rất nhiều sách viết về những cách để làm quản lý. Có vô vàn khóa học về môn khoa học và nghệ thuật này (có lẽ bạn cũng đã từng tham gia một vài khóa). Tuy nhiên những gì sách vở và các khóa đào tạo không đề cập đó là rất nhiều quy tắc “bất thành văn”. Chính những quy tắc này mới khiến bạn trở thành một nhà quản lý tài giỏi. Nó sẽ giúp bạn quản lý công ty hay tổ chức rất tốt. Những quy tắc trong quản lý, dù bạn chỉ quản lý một hai người hay là một hai trăm người, vẫn không có gì khác. Các quy tắc vẫn đúng.
Không có nhận xét nào