Header Ads

Tin Hot

Đạo Đức Kinh - Lão Tử PDf

Đạo Đức Kinh - Lão Tử

Đạo Đức Kinh - Lão Tử

Chúng tôi vốn định biên soạn một quyển Đạo-Đức-Kinh quốc-văn giải-thích và một quyển nói riêng về Lão-tử và Lão-học. Quyển sách này là thiên trên của Đạo-Đức-Kinh.
Đạo-Đức-Kinhgồm có Tám-mươi mốt chương, không chia ra làm hai phần, nhưng vì chúng tôi dịch theo bản Vương Bật, nên cũng tôn trọng lối chia của họ Vương; mặt khác, nếu đợi dịch đủ Tám-mươi mốt chương in làm một quyển, thời gian e sẽ quá dài, nên chúng tôi tạm đem ấn-hành thiên trên để chất chính cùng hải nội chư tôn, trong khi tiếp tục dịch nốt những chương còn lại.
Dịch Đạo-Đức-Kinh là một công việc rất khó nhọc,. Nhiều lúc chúng tôi cơ hồ muốn buông bút, vì có cảm-giác va trán vào vách đá!
Khó vì lời ngắn, gọn, gọn quá thành "cô" lại; khó vì chữ cổ, có nghĩa cổ, không chắc đúng với nghĩa ngày nay ta thường gởi vào cho chữ; khó vì ta có thể ức đoán, chứ không biết hẳn những điều kiện, ảnh hưởng nào đã thúc đẩy Lão-tử hạ bút viết, và ý tưởng quan niệm ta gán cho tác giả có đích thực là của tác giả hay không?
Chúng tôi cố gắng dịch sát từng chữ từng câu, cho nên bài dịch thường lủng củng, tối nghĩa, nặng nề, có khi một chữ dịch rồi, nhưng vẫn có thể giảng theo hai ba lối khác nhau: gặp trường hợp ấy, chúng tôi đều chua thêm nghĩa thứ hai ở phần chú thích.
Có một vài chữ dịch ra tiếng Việt thành ngô nghê khó hiểu. Tỷ dụ như trong chương XVI, chữ dung nếu dịch là "chứa trùm", tuy có vẻ cổ kinh nhưng xuôi tai lắm; tôi đành dịch là "bao dung" tuy biết đã làm một việc vô lý vì không dịch gì hết thảy; nhưng chúng tôi lại nghĩ danh từ "bao dung" đã Việt Nam hóa và thông dụng lắm rồi.
Về phần chú giải, nếu chúng ta xét nguyên trong Đạo tạng đã có hàng mấy ngàn pho, số học giả chú giải Đạo-Đức-Kinh có hàng ngàn nhà, lại nữa lập trường chú giải có thể đi từ Huyền, Tiên, Phật cho đến Thông thiên thì sẽ thấy công việc khó khăn biết chừng nào? Riêng ở trong hoàn cảnh của chúng tôi không có sách, không có bạn, không có thầy...không có đến cả thì giờ đọc những sách may mắn tới tay, tự nhiên việc làm sẽ hết sức khiêm nhường và thiếu sót.
Nếu có một phút nào người ta để cho lòng lắng xuống được, quay trở lại đời sống tâm linh mà đọc vài trang Đạo-Đức-Kinh của Lão-tử, rồi nhìn ra cái dốc, người ta hăm hở lăn theo, để tự chôn vùi xuống vực thẳm "lửa dục" đang bầng bầng bốc cháy, có lẽ người ta sẽ giật mình tỉnh ngộ! Và nếu chỉ được một phút hối ngộ ấy sẩy ra cũng đủ, chúng tôi sẽ không ân hận ngồi dịch bộ sách này.
Lại cũng có người sẽ hỏi chúng tôi: Hàng ngàn học giả bàn giải Đạo-Đức-Kinh rồi, không khéo anh chị chỉ làm trò "vẽ rắn thêm chân!". Lại xin thưa: sách bình giải toàn viết bằng chữ nước ngoài (Hán, Đức, Pháp, Anh...) chúng tôi thấy cần đem Đạo-Đức-Kinh giải thích ra quốc văn...Dù sao chúng tôi và các bạn đọc nên nhớ trong nền Đạo-học Đông-phương, nhất là trong Lão-học ta phải nhất chí "không nghe bằng lỗ tai mà nghe bằng lòng, không nghe bằng lòng mà nghe bằng khí...", vì kẻ thù của Đạo chính là cái "Trí" kiêu căng đi đuổi theo ngọn mà quên gốc. Lão-tử đã căn dặn "Trí thức" là "hoa" của Đạo mà là đầu của Ngu Dốt; chúng tôi có dịch và giải văn Lão-tử đi chăng nữa cũng là thế không dừng được, phải mượn lời nói để đưa tới chỗ thần giao, ý hội, ở ngoài, ở trên lời nói, nghĩa là để bước vào cõi "thuần nghiệm" bằng phép "chay lòng".


Không có nhận xét nào